Kiến thức kỹ năng
Sinh viên ngành Y khoa phải luôn chuẩn bị tâm lý vì điều gì?
Không như những ngành học khác, vì làm công việc liên quan trực tiếp đến sức khỏe và mạng sống con người nên những ngành nghề liên quan đến ngành Y học điều có thời gian đào tạo kéo dài hơn. Sau khi hoàn thành thời gian đại học, các bạn sinh viên ngành Y khoa còn phải tiếp tục học chuyên khoa 2 năm rồi mới nghiên cứu sinh 5 năm nữa, sau đó mới có thể gọi là bắt đầu hành nghề Y. Do đó, nếu thực sự đam mê ngành học này sinh viên ngành Y khoa phải luôn chuẩn bị trước tâm lý, bởi:
Ngành Y Khoa là gì?
Là ngành học đào tạo bác sĩ đa khoa điều trị các bệnh mạn và cấp tính, đưa ra các biện pháp phòng bệnh, hướng dẫn phục hồi sức khỏe và kê đơn thuốc cho bệnh nhân. Mục tiêu đào tạo của ngành Y khoa là đào tạo những người có y đức, có kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp cơ bản về y học để xác định, đề xuất và tham gia giải quyết các vấn đề sức khoẻ cho cá nhân và cộng đồng.
Học Y Khoa là một quá trình dài dằng dặc
Số bài học quá nhiều ở tất cả các học phần, các bài học cứ dài dằng dặc, nhìn chỉ thấy toàn chữ là chữ, rồi các cuốn sách giáo khoa dày tới hàng nghìn trang, cùng với các hình vẽ giải phẫu quá phức tạp khó có thể nhớ hết được, các tên thuốc thì rất giống nhau, trong khi các cây thuốc vô cùng dễ lẫn với nhau, các chất có trong cơ thể thì không thể nhớ hết nổi… Thế là sinh viên Y khoa cứ “mài mông” suốt ngày trên giảng đường, rồi lại thư viện.
Y khoa là học đi đôi với thực hành, những buổi thực tập, rồi kiến tập luôn gắn liền với sinh viên y khoa, hai năm đầu chỉ học lý thuyết, đến năm thứ 2 bắt đầu đi thực tập bệnh viện và kéo dài cho đến lúc ra trường.
Thực tập lâm sàng – thú vị nhất nhưng cũng vất vả nhất
Các môn chuyên lâm sàng thường là những học phần rất thú vị, thu hút nhiều sinh viên, nhưng đây cũng là môn học rất khó và tốn nhiều công sức của sinh viên Y khoa. Cứ buổi sáng phải đi học tại bệnh viện, đi theo các anh chị, các bác sĩ, các điều dưỡng viên để học cách khám bệnh, cách tập chẩn đoán bệnh qua các triệu chứng.
Học lâm sàng ở bệnh viện là phải trực đêm, cứ khoảng 5 ngày đến 6 ngày sẽ phải trực bệnh viện một ngày, có những tuần trực hai buổi, mà khi đã trực là thức suốt đêm. Sinh viên Y khoa muốn học được lâm sàng tốt, cần phải có bệnh nhân cho thực hành và phải có thầy thuốc giỏi hướng dẫn, thiếu một trong hai điều này, không thể học lâm sàng tốt được.
Học lâm sàng cần chú ý, có nhiều bước mà sinh viên phải vượt qua từ hiểu đến làm được gồm có các bước: Học thuộc lòng thủ thuật, phẫu thuật mình sẽ làm.
Phải tích lũy được các kỹ năng, thủ thuật Y khoa
Học lâm sàng phải làm sao cho các thầy biết là mình biết làm thủ thuật đó, một lớp 50 sinh viên, thì thầy cô không thể biết hết được, cho nên phải là sinh viên nổi trội trong lớp, chăm chỉ học, và hiểu bài khi thầy kiểm tra. Khi đã tin tưởng, thường thì các thầy sẽ chỉ cho bí quyết từng động tác để có thể thực hiện chính xác các thủ thuật. Nếu may mắn sẽ được thầy cô cho phép làm dưới sự giám sát của thầy cô và sự ủng hộ của bệnh nhân điều trị.
Sau vài lần giám sát nếu thấy học trò làm tốt, không mắc sai sót, thì các sinh viên ưu tú sẽ được giao cho những công việc nho nhỏ. Lâu dần như vậy, các sinh viên y khoa mới tích lũy được kỹ năng thực hiện các kỹ thuật y khoa.
Còn đối với những sinh viên không được làm thì sẽ chỉ là bác sĩ chữa bệnh trên giấy không có thực tế trên bệnh nhân thật, sẽ không thể thành công được, sẽ không ai dám giao tính mạng cho các thầy thuốc mới chỉ biết lý thuyết.
Trải qua nhiều năm thực hiện các kỹ thuật y khoa lâm sàng, các thầy thuốc tiếp tục phải đúc rút kinh nghiệm cho bản thân, đọc sách cập nhật thông tin, tham khảo đồng nghiệp đi trước, ghi nhận phản hồi từ bệnh nhân điều trị, tất cả những điều đó mới kết tinh thành kỹ năng của thầy thuốc giỏi. Trong quá trình xây dựng kỹ năng y khoa của người thầy thuốc, thì sự thông minh chỉ là một loại phương tiện, còn niềm đam mê, cùng sự chặt chẽ trong tư duy, cẩn trọng trong động tác và đức tính chăm chỉ mới là điều quan trọng tạo lên một người thầy thuốc giỏi.