Cơ hội nghề nghiệp
Tốt nghiệp ngành Y Đa khoa có dễ xin việc không?
Theo học ngành Y Đa khoa có dễ xin việc không? Đây là băn khoăn, thắc mắc của thí sinh, phụ huynh khi tìm hiểu và có ý định theo học ngành Y khoa ở bậc đại học. Vậy, tốt nghiệp ngành Y Đa khoa có dễ xin việc không? Cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
Ngành Y Đa khoa là gì?
Y khoa (hay còn gọi là Y Đa khoa, tên tiếng Anh: General Medicine) là ngành học đào tạo bác sĩ đa khoa với kỹ năng khám, chẩn đoán, điều trị và hướng dẫn dự phòng các bệnh lý phổ biến tại bệnh viện và cộng đồng.
Mục tiêu đào tạo của ngành Y Đa khoa là đào tạo Bác sĩ đa khoa có đủ y đức, có kiến thức khoa học cơ bản và y học cơ sở vững chắc, có kiến thức và kỹ năng cơ bản về lâm sàng và cộng đồng, kết hợp y học hiện đại với y học cổ truyền, có trình độ ngoại ngữ và năng lực nghiên cứu khoa học, có khả năng tiếp cận và ứng dụng các thành tựu khoa học y học trong bảo vệ và chăm sức khỏe nhân dân.
Ngành Y Đa khoa học những gì?
Thời gian đào tạo: 6 năm.
Trong hai năm đầu tiên, sinh viên Y Đa khoa sẽ được trang bị các kiến thức khoa học cơ bản và y học cơ sở để làm nền tảng vững chắc cho việc tiếp thu kiến thức chuyên nghiệp trong 4 năm cuối của chương trình đào tạo.
Bên cạnh đó, ngay từ năm đầu tiên sinh viên ngành Y Đa khoa còn được học tiếng Anh cơ bản, Tin học, Kỹ năng mềm, Pháp luật đại cương…. để vững tin có được chứng chỉ hành nghề sau khi tốt nghiệp.
Từ học kỳ IV đến học kỳ XII sinh viên phải học thực hành và tham gia thường trực tại bệnh viện, học tập trong môi trường thực tế ở các bệnh viện là cơ hội cho sinh viên rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp sau này.
Sinh viên được tạo điều kiện tham gia nghiên cứu khoa học ngay từ năm đầu khóa học (sau khi đã có kiến thức khoa học cơ bản và y học cơ sở). Sinh viên có năng lực tự chủ, tự chịu trách nhiệm và kỷ luật cao, có năng lực phát triển bản thân…
Tốt nghiệp ngành Y Đa khoa có dễ xin việc?
Theo Bộ Y tế, tỷ lệ bác sĩ/vạn dân của Việt Nam là 8,6; thấp hơn từ 4 – 8 lần so với nhiều nước có ngành Y phát triển. Tổng số cán bộ làm công tác y tế dự phòng từ trung ương đến tuyến huyện mới chỉ đáp ứng 42% nhu cầu nhân lực cần có. Số nhân lực y tế thiếu hụt là khoảng 23.800 người, trong đó bác sĩ y học dự phòng thiếu 8.075 người, cử nhân y tế công cộng thiếu 3.993 người…
Số lượng sinh viên Y ra trường hàng năm chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu ngày càng lớn của xã hội, khiến cho ngành Y Đa khoa luôn luôn ở trong tình trạng “khát” nhân lực.
Sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành Y khoa, với tấm bằng bác sĩ đa khoa bạn có thể đảm nhiệm các công việc với vai trò và vị trí sau:
– Bác sĩ trực tiếp khám chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh từ tuyến cơ sở đến Trung Ương (bao gồm cả các cơ sở công lập và dân lập).
– Giảng viên, trợ giảng các trường đại học cao đẳng đào tạo khối ngành sức khỏe.
– Chuyên viên các cơ quan quản lý y tế từ cơ sở đến Trung Ương.
Với những chia sẻ trên về cơ hội việc làm ngành Y Đa khoa, chúng ta có thể phần nào tự tìm được câu trả lời cho bản thân với câu hỏi: “Tốt nghiệp ngành Y Đa khoa có dễ xin việc hay không?”. Mong rằng bài viết này sẽ hữu ích đối với những bạn đang quan tâm đến ngành Y nói chung và ngành Y Đa khoa nói riêng.