Kiến thức kỹ năng
Những khái niệm liên quan đến ngành Y Đa khoa
Định nghĩa
Bác sĩ đa khoa là một bác sĩ điều trị các bệnh mãn và cấp tính, đưa ra các biện pháp phòng bệnh, hướng dẫn phục hồi sức khỏe và kê thuốc cho bệnh nhân.
“Một bác sĩ đa khoa giỏi sẽ điều trị bệnh nhân không những trên phương diện nghề nghiệp mà còn coi họ như người thân”.
Sự khác nhau giữa bác sĩ đa khoa và bác sĩ chuyên khoa hay bác sĩ giải phẫu đó là họ khám bệnh theo phương pháp tiếp cận toàn diện về thể trạng bệnh nhân cũng như môi trường sinh học, tâm lý và xã hội nơi bệnh nhân ở. Nhiệm vụ chẩn đoán của họ không hạn chế vào một cơ quan nội tạng cụ thể của người khám, và bác sĩ đa khoa được đào tạo nhằm điều trị bệnh nhân với nhiều vấn đề sức khỏe mắc phải. Họ không giới hạn chữa trị theo giới tính, tuổi tác và mức độ phức tạp của căn bệnh mà họ sẽ điều trị phụ thuộc vào quy định ở từng quốc gia.
Ở hệ thống y tế của một số nước, bác sĩ đa khoa làm việc tại những trung tâm chăm sóc sức khỏe và đóng một vai trò quan trọng ở đó. Ở một số nước đang phát triển, bác sĩ đa khoa có thể hoạt động riêng độc lập tại những phòng khám tư nhân hay tại gia.
Vai trò của bác sĩ đa khoa thay đổi rất lớn giữa các quốc gia hay thậm chí trong mỗi quốc gia. Ở vùng đô thị của các nước phát triển vai trò của họ hẹp hơn và tập trung vào chữa trị các bệnh mãn tính, điều trị bệnh cấp tính nhưng không ảnh hưởng nguy hiểm tới sức khỏe; hoặc bác sĩ đa khoa có vai trò chẩn đoán sơ bộ, phát hiện sớm và giới thiệu cho bệnh nhân đến một bệnh viện chuyên khoa, hoặc hướng dẫn chăm sóc sức khỏe, phòng bệnh hoặc thực hiện tiêm chủng. Trong khi đó, ở những vùng nông thôn của các nước đang phát triển hoặc phát triển, bác sĩ đa khoa có thể tham gia vào những ca sơ cứu khẩn cấp, hộ sinh; hoặc tại một số bệnh viện cấp huyện hoặc tỉnh họ tiến hành các ca phẫu thuật không phức tạp.
Ở một số nước phát triển thuật ngữ “bác sĩ đa khoa” (GP) đôi khi cũng đồng nghĩa với “bác sĩ gia đình”. Thuật ngữ GP là phổ biến ở Cộng hòa Ireland, các Vương quốc Anh và một số nước. Ở những nước này, từ bác sĩ đa khoa phần lớn là dành riêng cho một số loại chuyên gia y tế, đặc biệt là nội khoa, và thuật ngữ GP có ý nghĩa xác định rõ ràng, ở Bắc Mỹ thuật ngữ này đã trở nên hơi mơ hồ, và không nhất thiết đồng nghĩa với thuật ngữ “bác sĩ gia đình”.
Về mặt lịch sử, vai trò của bác sĩ đa khoa thường đồng nhất với bằng cấp bác sĩ tại các trường y khoa. Từ những năm 1950, ở nhiều nước, ngành đào tạo bác sĩ đa khoa trở thành một ngành riêng, sinh viên y học ngành này với chương trình đào tạo riêng và tốt nghiệp ngành bác sĩ đa khoa.
Tuyên ngôn Alma Ata năm 1978 đặt ra nền tảng tri thức về bác sĩ đa khoa và vấn đề chăm sóc sức khỏe ngày nay.
Hội nghị Alma-Ata về Chăm sóc sức khỏe ban đầu, 1978:
Hội nghị quốc tế về Chăm sóc Sức khỏe Ban đầu được tổ chức từ ngày 6-12 tháng 9-1978 tại Alma-Ata, Kazakhstan, do WHO và UNICEF bảo trợ, với 134 nước- trong đó có Việt Nam- và 67 tổ chức quốc tế tham dự.
Hội nghị đưa ra Bản Tuyên ngôn nổi tiếng về CSSKBĐ là Tuyên ngôn Alma-Ata, gồm 10 điểm, là chiến lược y tế toàn cầu nhằm đạt mục tiêu “Sức khỏe cho mọi người”.
Tình hình sức khỏe của mọi người trước Hội nghị Alma-Ata được Tổ chức Sức khỏe Thế giới (WHO) nhận định như sau:
– 80% dân chúng không được chăm sóc sức khỏe một cách thỏa đáng và tình trạng sức khỏe nói chung là không thể chấp nhận được;
– Nhân sự, kinh phí và trang thiết bị phân phối không công bằng – tập trung chủ yếu ở đô thị trong khi đa số dân chúng sống ở vùng nông thôn;
– Hệ thống y tế rập khuôn theo Tây phương, là một hệ thống chủ yếu dựa vào điều trị, vào bệnh viện với kỹ thuật học cầu kỳ, tốn kém, không quan tâm đến bối cảnh kinh tế văn hóa và nếp sống của người dân địa phương;
– Đào tạo theo kiểu cũ, không phù hợp;
– Môi trường xã hội và thiên nhiên thay đổi. Nhiều bệnh tật mới xuất hiện, phức tạp, phản ánh tình trạng kinh tế – xã hội – chính trị, nên không thể giải quyết vấn đề đơn thuần bằng cách tiếp cận lâm sàng, cá thể như trước mà đòi hỏi phải có một phương pháp tiếp cận mới.
Từ Hội nghị Alma-Ata 1978 đến nay, đã có 4 hội nghị quốc tế khác xem xét lại toàn bộ chiến lược CSSKBĐ để điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới.
– Tại Madrid, 2003, Hội nghị đã đưa ra những định hướng chiến lược cho SSSKBĐ nhằm đạt Mục tiêu Sức khỏe cho mọi người (Health for All) ở thế kỷ 21 và Mục đích Phát triển Thiên niên kỷ (Millennium Development Goals) do Liên Hợp Quốc đề ra.
– Tại Argentina, 8/2007, Hội nghị quốc tế về Sức khỏe cho Phát triển của WHO khẳng định lại, SSSKBĐ vẫn là chìa khóa để đạt mục đích Phát triển thiên niên kỷ với nhiều cơ hội và thách thức mới.
Phúc trình của Tổ chức sức khỏe thế giới 2008 (WHO The World Health Report 2008 – khẳng định lần nữa: Chăm sóc sức khỏe ban đầu: “ Bây giờ hơn bao giờ hết!” (Primary Health Care “Now More Than Ever”)
Bởi vì vẫn còn đó trong Y tế:
– Bất công, bất bình đẳng.
– Quá tốn kém, nghèo nghèo thêm.
– Ngày càng chuyên sâu, manh mún, không toàn diện. Không an toàn. Nhiều tai biến.
– Định hướng sai. Nặng điều trị, kỹ thuật cao, tốn kém. Thương mại hoá, tập đoàn hoá.
– Y tế cơ sở bị xói mòn, sụp đổ, nhẹ phòng bệnh.
Có 8 yếu tố nội dung tối thiểu của CSKBĐ do Alma-Ata đề ra:
1) Giáo dục sức khỏe
2) Dinh dưỡng
3) Môi trường – Nước sạch
4) Sức khỏe bà mẹ trẻ em – Kế hoạch hóa gia đình
5) Tiêm chủng mở rộng
6) Phòng chống bệnh dịch địa phương
7) Chữa bệnh và chấn thương thông thường.
8) Thuốc thiết yếu.
Ngoài 8 yếu tố tối thiểu trên, mỗi quốc gia đề thêm các yếu tố cần thiết khác, như Việt Nam đề thêm 2 yếu tố sau đây (trở thành 10 yếu tố):
9) Quản lý sức khỏe
10) Xây dựng và củng cố mạng lưới y tế cơ sở.