Kiến thức kỹ năng
Những điều bạn chưa biết về ngành Y Đa khoa
Y Khoa vốn đã là một ngành nghề quá quen thuộc đối với toàn xã hội thế nhưng thực chất trong ngành Y vẫn còn rất nhiều điều mà chúng ta chưa thể biết hết được. Trong đó; vẫn có rất nhiều câu hỏi khiến các bạn thí sinh băn khoăn như: Ngành Y Đa khoa điểm chuẩn như thế nào? Việc làm ngành Y Đa khoa ra sao?… Nếu bạn thực sự đam mê và có ý định sẽ theo học ngành nghề này thì trước tiên bạn phải thực sự hiểu về nó. Cùng bài viết này tìm hiểu về ngành Y Đa khoa nhé!
Học ngành Y Đa khoa đòi hỏi bạn không những giỏi mà còn phải có sức khỏe tốt
Điều đầu tiên phải nói đến ở đây chính là môi trường học tập và làm việc của ngành Y Đa khoa rất vất vả, đòi hỏi bạn phải tập trung cao độ và dành nhiều thời gian cho việc học. Sinh viên ngành Y sẽ phải tập làm quen với việc trực đêm, tiếp xúc với môi trường thuốc… nếu không có thể lực tốt, các bạn sẽ khó theo được chương trình học dài đến 6-7 năm chứ chưa nói đến là khi thực sự đi làm.
Học ngành Y Đa khoa phải chấp nhận việc hàng ngày tiếp xúc với cơ thể bệnh nhân với các hóa chất, với những hình ảnh đôi khi là rất đáng sợ. Nếu bạn không có một tinh thần vững chắc thì khó có thể theo nghề lâu dài. Ngoài ra, người Bác sĩ y khoa còn phải thường xuyên phải đối mặt với những xét nghiệm y tế từ máu, mủ, nước tiểu, thuốc kháng sinh, kim tiêm, dao kéo… và thực hành trên chính cơ thể người bệnh.
Không như những ngành học bình thường
Khối lượng kiến thức ngành Y rất nặng. Ngoài việc thời gian học kéo dài 6-7 năm, sinh viên ngành Y thường xuyên phải trải qua những đợt thi cử, kiểm tra gắt gao. Việc sinh viên sáng học trên giảng đường chiều và tối trực trong bệnh viện là điều rất bình thường đối với những sinh viên học ngành Y.
Nếu thiếu động lực học tập thì sinh viên ngành Y học đã khó hay lại càng khó khăn hơn.
Công việc nhiều nhọc nhằn
Thay vì ngày làm 8 tiếng như những ngành nghề khác, người Bác sĩ Y Khoa thường xuyên phải chấp nhận việc ăn ngủ và sống trong bệnh viện 24/24. Ngoài làm giờ hành chính để khám và chữa bệnh cho bệnh nhân, bác sĩ còn phải thường xuyên trực đối mặt với những ca cấp cứu hay trở dạ lúc nửa đêm. Chính vì lực độ công việc như vậy nên người bác sĩ phải thường xuyên bị căng thẳng, mệt mỏi.
Một khi bạn đã chọn ngành Y đồng nghĩa với việc thời gian bạn dành cho gia đình sẽ rất ít, thời gian dành cho bản thân lại càng ít ỏi hơn.
Biết rằng, dù làm ở ngành nghề nào thì cũng sẽ có những sự vất vả và khó khăn riêng nhưng đối với ngành Y thì những yêu cầu và đòi hỏi dành cho công việc lại càng khắt khe hơn cả. Chỉ những bác sĩ thực sự yêu nghề, yêu công việc chăm sóc sức khỏe cho mọi người, xem việc được đi làm mỗi ngày là một phần quan trọng của cuộc sống thì họ mới đủ sức để chạy theo những khó khăn mà nghề Y mang lại.