Y học và đời sống
Tiêm phòng cho trẻ, bố mẹ cần chú ý
Tiêm phòng là một trong những việc làm cần thiết trong những năm tháng đầu đời để giúp trẻ có sức khỏe tốt, tránh được một số bệnh nguy hiểm. Bố mẹ cần lưu ý một số vấn đề sau để việc tiêm phòng cho trẻ đạt hiệu quả tốt nhất.
Một số lưu ý khi tiêm phòng cho trẻ
- Chỉ tiêm phòng khi trẻ thật khỏe mạnh
Để tiêm phòng cho trẻ, tốt nhất nên tiêm theo đúng lịch tiêm các loại vắc-xin theo từng độ tuổi của trẻ. Tuy nhiên, cần lưu ý, nếu đến lịch tiêm chủng mà sức khỏe bé không ổn thì bố mẹ có thể lùi thời gian tiêm phòng lại. Vì trong trường hợp trẻ không khỏe mà còn tiêm vắc-xin, không những không hiệu quả mà còn gây nguy hiểm cho trẻ.
Nếu trẻ có một trong các biểu hiện sau thì không nên tiêm phòng
– Nếu vắc-xin tiêm cho trẻ gây co giật hoặc sốc trong vòng 72 giờ sau khi tiêm thì không nên tiêm loại văcxin này lần thứ 2.
– Trẻ đang uống thuốc kháng sinh hoặc uống kháng sinh cách thời điểm tiêm phòng dưới 7 ngày.
– Trẻ đang mắc các bệnh cấp tính nặng hoặc trung bình.
– Trẻ đang bị sốt.
Bố mẹ có thể trì hoãn việc tiêm phòng cho đến khi trẻ khỏe mạnh trở lại, vắc-xin vẫn phát huy tác dụng nếu được tiêm trong thời hạn cho phép nên bố mẹ không phải lo lắng.
- Chăm sóc trẻ trước khi đi tiêm phòng
Trước khi đi tiêm phòng cho trẻ nên cho trẻ ăn uống đầy đủ nhưng không nên cho trẻ ăn quá no. Tốt nhất nên tiêm cho trẻ sau khi ăn 30p, cũng đừng để trẻ bị đói khi tiêm phòng dễ gây hạ đường huyết. Bố mẹ cũng lưu ý sau khi tiêm vắc-xin cho trẻ thì không nên tắm liền, nên trước khi đi nên tắm rửa cho trẻ sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh, hạn chế việc nhiễm trùng.
- Một số vắc-xin không phù hợp với trẻ
Theo dõi tiêm vắc-xin phù hợp cho trẻ
Bố mẹ cần theo dõi, trường hợp trẻ dị ứng với một loại vắc-xin thì lần sau không nên tiêm cho trẻ. Hoặc đối với trường hợp trẻ sinh non, nhẹ cân thì mũi tiêm đầu tiên nên lùi thời gian tiêm lại để cho trẻ cứng cáp.
Bố mẹ cũng cần lưu ý với bác sĩ các biểu hiện của con mình để bác sĩ đưa ra lời khuyên hợp lý về việc tiêm chủng nhé.
- Chú ý tiền sử bệnh của trẻ
Khi đi tiêm phòng cho trẻ bố mẹ cần cho bác sĩ biết tiền sử bệnh của trẻ cũng như tiền sử dị ứng thuốc,…để bác sĩ xem xét, theo dõi và tư vấn tiêm chủng cần thiết, trường hợp bé không hợp loại vắc-xin thì tư vấn qua loại khác.
- Nên theo dõi kĩ biểu hiện của trẻ sau tiêm
Bố mẹ nên chú ý theo dõi biểu hiện của trẻ sau khi tiêm. Đặc biệt là 30 phút đầu tiên, cần ở lại theo dõi đề phòng sốc phản vệ ở trẻ. Sốc phản vệ là phản ứng của cơ thể đối với vắc-xin, tuy hiếm gặp nhưng cần theo dõi để xử lý kịp thời. Nếu trẻ không có biểu hiện gì thì cho trẻ về nhà nhưng vẫn tiếp tục theo dõi trong 24 giờ tiếp theo, chú ý các biểu hiện bất thường ở trẻ để đưa trẻ đến cơ sở y tế nếu cần thiết.
- Chăm sóc trẻ sau khi tiêm phòng
Sau khi trẻ tiêm phòng có thể gặp một số phản ứng như:
– Sốt nhẹ: Đây là phản ứng thường gặp của cơ thể trẻ sau khi tiêm phòng và thường tự hết sau 1 -2 ngày. Tuy nhiên, sẽ có trường hợp trẻ sốt cao, bố mẹ nên lưu ý theo dõi nhiệt độ cơ thể bé, sử dụng thuốc hạ sốt khi cần thiết (sốt từ 38,5 độ trở lên), mặc đồ thoáng, lau nước ấm cho trẻ, cho trẻ uống nhiều nước.
– Dị ứng: Nếu dị ứng với vắc-xin, trẻ có thể bị nổi mẩn ngứa toàn thân. Thông thường sau vài ngày sẽ khỏi, nếu không, bố mẹ nên đưa trẻ đi bác sĩ để được cho thuốc chống dị ứng phù hợp
– Vết tiêm bị sưng đỏ, đau: Nhiều trẻ da nhạy cảm có thể bị sưng tấy, đỏ. Nhưng bố mẹ không cần phải quá lo lắng, chỉ 6-8 tiếng sau là đỡ. Có thể sử dụng biện pháp chườm lạnh để giảm sưng tấy cho trẻ.